Kinh nghiệm Thuyết trình đồ án!

- Thứ nhất: Về đề tài thì bạn có thể tự xin bên ngoài, nếu bạn không xin được thì bạn có thể hỏi trực tiếp GVHD của bạn, các thầy có rất nhiều đồ án đấy! Nhưng quan trọng nhất là bạn phải chọn đề tài cho phù hợp với sức học của bản thân (điều này vô cùng quan trọng đấy, nó sẽ quyết định sự thành bại của đồ án mà bạn sẽ bảo vệ). Nếu sức học của bạn khá thì bạn nên chọn các đồ án mang tính chất Nghiên cứu chuyên đề (chẳng hạn như Kết cấu thép nhà công nghiệp, Tháp truyền hình, Đài nước, Kết cấu vỏ mỏng.v..v..), làm mấy dạng này thông thường điểm rất cao, vì các thầy đánh giá rất cao sự nghiên cứu và công sức của chúng ta bỏ ra cho đồ án!

- Thứ hai: Về tài liệu thì theo mình nghĩ bạn nên nghiên cứu kỹ các Quy phạm và tiêu chuẩn của VN, vì dù gì thì bạn cũng phải bám sát theo nó để làm đồ án, chỉ khi nào mà vấn đề của bạn làm trong TCVN chưa quy định thì bạn mới được dùng Tiêu chuẩn của nước ngoài. Nên bám theo quy phạm, vì thực ra SGK chúng ta học cũng biên soạn từ trong đó ra, mà đôi khi SGK cũng không bám sát theo tinh thần của quy phạm lắm, nó được viết theo quan điểm của tác giả, thành ra có nhiều chỗ không được chính xác cho lắm.

- Thứ ba: Về phương pháp bảo vệ thì khó mà hướng dẫn cụ thể cho bạn được. Có thể nói đây là một vấn đề khó khăn đối với rất nhiều SV, bởi vì khi đó chúng ta phải đứng trước một hội đồng toàn các TS, ThS... cho nên chúng ta cảm thấy rất hồi hộp, nhiều khi bạn hiểu đấy nhưng bạn vẫn không thể trả lời hay diễn đạt cho thuyết phục vấn đề được. Mình chỉ khuyên bạn nên nắm vững tất cả những gì mình đã làm trong đồ án, phải thật thông suốt đồ án của mình, tránh tình trạng làm lụi. Nếu được như vậy thì bạn có thể yên tâm cho kỳ bảo vệ đồ án của bạn rồi đó.

Đây là kinh nghiệm chuẩn bị và bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp do tác giả Dương Minh Châu khuyên các sinh viên:

Đồ án Tốt nghiệp là nội dung rất quan trọng trong khối lượng kiến thức đào tạo ở bậc đại học, đặc biệt là khối Xây dựng, Kiến Trúc. Cứ đến tháng 5 hàng năm, sinh viên năm cuối lại tất bật với công việc hoàn thành và bảo vệ đồ án, vừa tự hào, vừa lo lắng lại vừa vui mừng. Bảo vệ đồ án Tốt nghiệp là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời đi học của mỗi sinh viên. Mặc dù các bạn sinh viên đã trải qua 7-8 lần bảo vệ đồ án, tuy nhiên chúng tôi cũng đưa ra những lời khuyên giúp các bạn sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho buổi lễ trọng đại này.

1. Công tác chuẩn bị - càng nhiều càng tốt
- Nghiên cứu kĩ nội dung Đồ án, tốt nhất nên tóm tắt nội dung và tập trình bày sẵn (có thể cắt bớt từ nội dung thuyết minh.). Về nội dung nên trình bày các vấn đề cơ bản: các số liệu đầu vào, đầu ra của từng nội dung chính, nếu có thể thì trình bày sơ bộ các giải pháp.
- Cần phải có tập dượt trước ít nhất 1 đến 2 lần để đảm bảo nội dung trình bày được thông suốt, tự tin.
- Chuẩn bị về trang phục: quần áo, đầu tóc phải gọn gàng, Quy định phải mang áo sơ mi, quần tây, cà vạt.
- Bản vẽ: SV cần nghiên cứu phương án bố trí bản vẽ và sắp xếp theo đúng thứ tự trình bày của từng bản vẽ, đảm bảo khi bảo vệ sinh viên đi hết một vòng là kết thúc nội dung báo cáo (nhiều trường hợp bố trí không hợp lí, người báo cáo phải đi lui, đi tới nhiều lần gây phản cảm).
- Dùng băng keo dán các bản vẽ thành từng cuộn, để đảm bảo khi căng bản vẽ được nhanh chóng, gọn gàng.
- Trước khi bảo vệ, sinh viên cần đến trước để xem và rút kinh nghiệm cho mình; giúp đỡ các bạn khác trong việc chuẩn bị nội dung, treo bản vẽ và gấp bản vẽ.
- Chuẩn bị hồ sơ Thuyết minh, phụ lục, bản vẽ, tài liệu tham khảo
- Dụng cụ thuyết trình.

2. Triển khai thuyết trình - Tự tin thoải mái
- Sau khi được sự cho phép của chủ tịch HĐ chấm đồ án, sinh viên nên có một hoặc vài câu giới thiệu ban đầu (không nên dài quá!).
- Trình bày nội dung đồ án, khi trình bày, các kết quả của từng nội dung cơ bản đều được thể hiện trên bản vẽ, sinh viên nên sử dụng các phương tiện để giới thiệu (thước chỉ, bút la-de)
- Chú ý khi báo cáo nên sử dụng câu đơn giản, tránh sử dụng các chủ ngữ: ta, chúng ta…hoặc các đại từ sở hữu như “của em”…
- Sau khi trình bày thuyết minh xong, Chủ tịch (hoặc thư kí Hội đồng ) đọc câu hỏi, sinh viên nên ghi chép. Rất nhiều sinh viên sau khi nghe xong câu hỏi thứ nhất đã vội vàng trả lời ngay!!! hoặc ghi chép câu hỏi mà không cần suy nghĩ, trả lời hết cả mọi vấn đề. Điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến kết quả bảo vệ, Hội đồng sẽ đặt nhiều câu hỏi khó hơn!
- Khi nhận được câu hỏi, nên tập trung để hiểu vấn đề của câu hỏi đặt ra trước, sau đó mới triển khai các ý chính. Nhiều sinh viên trả lời sai vấn đề của câu hỏi đặt ra. Nếu không rõ, có thể hỏi lại.
- Chuẩn bị câu trả lời (khoảng 5-10phút) và trả lời câu hỏi (không nhất thiết phải theo thứ tự của câu hỏi) nên trả lời theo các nhóm vấn đề.
- Những câu hỏi của các thành viên dự Hội đồng thường giúp làm rõ những ý mà sinh viên đề cập không rõ, khi được hỏi, cần phải suy nghĩ cẩn thận, không nhất thiết phải hoang mang vì các câu hỏi đều mang tính gợi ý, dẫn dắt các bạn đến câu trả lời tốt nhất.
- Những tồn tại thường mắc phải:

o Thừa nhận cái sai mà không cần suy nghĩ thêm. Tuyệt đối tránh! Việc bảo vệ đồ án là chứng minh sự phù hợp của giải pháp đề xuất (trong một trình độ, kiến thức nhất định), chỉ cần hợp lí là ổn, thông qua cái hợp lí đó thể hiện sự vận dụng kiến thức được đào tạo của mình.
o Không thừa nhận cái sai: Trường hợp này cũng thường xảy ra đối với những nội dung mà sinh viên chuẩn bị kĩ, tuy nhiên, các bạn nên cẩn thận hơn vì những kiến thức chủ yếu các bạn sử dụng làm đồ án TN là đứng trên phương diện lí thuyết, quan điểm cụ thể. Dù có đúng Quy trình, Tiêu chuẩn nhưng cũng có thể chưa phù hợp với điều kiện nhất định của công trình các bạn đang thiết kế.

3. Kết thúc buổi bảo vệ - những kiến thức cuối cùng
- Sinh viên chú ý lắng nghe phần nhận xét của Cán bộ hướng dẫn, cán bộ chấm phản biện. Rất nhiều sinh viên sau khi trả lời xong câu hỏi là coi như hoàn tất công việc; hoặc lại có những sinh viên phản ứng rất gay gắt các vấn đề của cán bộ chấm sơ khảo góp ý. Điều đó không cải thiện hình ảnh của các bạn, do vậy chỉ có hại mà không mang lại điều gì! Nếu có những vấn đề khúc mắc, cán bộ hướng dẫn hoặc Chủ tịch Hội đồng sẽ có ý kiến để bảo vệ các bạn. Yên tâm.

4. Sau khi bảo vệ - Trách nhiệm với bạn bè
- Cần bảo quản tốt bản vẽ, thuyết minh, phụ lục để nộp lại cho Khoa lưu trữ. Nếu các bạn làm mất, thất lạc, sẽ không được kí giấy thanh toán ra trường và do vậy không được nhận bằng tốt nghiệp.
- Dự thính, động viên bạn bè. Nhiều sinh viên sau khi bảo vệ xong là về luôn, các bạn sinh viên bảo vệ sau sẽ mất hết khí thế.

Chúc các bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!

(Lifepro tổng hợp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Link Dowload Đồ Án